Lưu trữ

Archive for 06/06/2012

Sắp thu phí hòa mạng thuê bao trả trước

1a.png
Thu phí hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước là một trong những biện pháp ngăn chặn vấn nạn SIM rác hiện nay.

 

ICTnews – Trong quá trình tìm giải pháp chặn vấn nạn SIM rác, ngoài việc siết chặt đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, Bộ TT&TT đang xem xét ra chính sách thu phí hòa mạng đối với loại thuê bao này trong thời gian tới.

SIM trả trước có tuổi đời quá ngắn

Theo con số thống kê của các mạng di động khoảng 4 năm trước, nhà mạng cứ tung ra thị trường 4 SIM thì có 1 SIM ở lại mạng. Thế nhưng, vấn nạn dùng SIM thay thẻ cào hiện nay đã khiến các nhà mạng phải tung ra một số lượng SIM “khủng” hơn rất nhiều lần để giữ được 1 thuê bao ở lại mạng. Ông Mai Văn Bình, TGĐ MobiFone đưa ra con số thống kê năm 2011: MobiFone tung ra thị trường 30 triệu SIM nhưng đến cuối năm chỉ giữ lại được 500.000 SIM (khoảng 1,66%). Điều này chứng tỏ chuyện dùng SIM thay thẻ cào đang là vấn nạn khiến các mạng “đau đầu”. Vẫn theo ông Mai Văn Bình, khoản “hoa hồng” đối với SIM dành cho các đại lý ở mức 26% trong khi thẻ cào chỉ 6% dẫn đến tình trạng vì chạy theo lợi nhuận nên đa số đại lý lách luật kích hoạt SIM trước dẫn đến khó quản lý việc đăng ký thuê bao trả trước.

Đại diện Viettel cho biết, trên thị trường có rất nhiều bộ hòa mạng với mệnh giá khác nhau bao gồm tiền SIM (chi phí sản xuất SIM trắng và chi phí tài nguyên kho số) và một số tiền nhất định trong tài khoản, ví dụ bộ hòa mạng 65.000 đồng bao gồm 15.000 tiền SIM cùng với 50.000 đồng trong tài khoản. Khi kích hoạt SIM thì số tiền trong tài khoản sẽ được hưởng khuyến mãi 100% thay vì 50% như thẻ cào dành cho những thuê bao cũ. Vì được hưởng nhiều ưu đãi hơn nên người dân có xu hướng chọn mua SIM mới thay vì thẻ cào.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân các mạng di động chạy đua thu hút thuê bao mới. Chẳng hạn, thuê bao cũ nạp tiền thì chỉ được hưởng khuyến mãi 50% thẻ nạp nhưng thuê bao mới nạp tiền thì được hưởng 100% thẻ nạp. Vì vậy, khách hàng chắc chắn phải tính toán để dùng SIM thay thẻ. Thậm chí đã có thống kê nhiều khách hàng sử dụng cùng lúc đến hàng chục SIM khuyến mại (còn gọi là SIM rác).

Một con số thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy SIM hiện có tuổi đời rất ngắn từ 6 tháng đến 1 năm. Đây là hệ lụy của vấn nạn mua SIM thay thẻ

Sắp thu phí hòa mạng thuê bao trả trước

Trong buổi họp mới đây với Bộ TT&TT, các mạng di động đưa ra nhiều chính sách để ngăn chặn vấn nạn SIM rác hiện nay. MobiFone đề xuất ý tưởng là có thể thu cước hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước (giống như thuê bao trả sau). MobiFone còn kiến nghị nên phát hành SIM không có mệnh giá và khuyến mại SIM này giống như các SIM đang hoạt động. Đồng tình với quan điểm này, Viettel kiến nghị tách riêng tiền SIM và tiền trong tài khoản ra, đồng thời quy định giá bộ kích hoạt ở mức 15.000 đồng. Khi nào có nhu cầu sử dụng, người dùng phải mua thêm thẻ cào để nạp và hưởng mức ưu đãi 50% như những thuê bao cũ. Đại diện S-Fone đưa ra ý kiến: để phát triển bền vững thị trường di động, chúng ta nên tăng cường thuê bao trả sau và hạn chế thuê bao trả trước. “Hiện ưu đãi cho trả sau không rõ nét so với trả trước nên khách hàng đa số chọn dùng trả trước. Chúng ta nên có chính sách cho DN tăng cường thuê bao trả sau hơn là loay hoay quản lý thuê bao trả trước. Khi đó, khách hàng sẽ dùng trả sau nhiều. Thời gian trước, chúng ta phổ cập di động nên ưu tiên đối với trả trước song thời điểm hiện tại, nên ưu tiên phát triển thuê bao trả sau. Ngoài ra, nếu thuê bao trả trước cũng phải đăng ký khó khăn như thuê bao trả sau thì khách hàng sẽ dùng trả sau”, đại diện S-Fone nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, lượng thuê bao di động đã ở mức bão hòa nên 1 năm chỉ có thêm khoảng 2,3 triệu thuê bao mới. Vì thế, không nên ưu đãi số thuê bao này thái quá so với hơn 80 triệu thuê bao đang sử dụng. Phải có biện pháp hành chính, kinh tế… để quản lý thuê bao trả trước, tạo sự bình đẳng giữa khách hàng mới và khách hàng cũ, thuê bao trả trước và trả sau. Thứ trưởng Lê Nam Thắng chỉ đạo Cục Viễn thông nhanh chóng hoàn thiện văn bản để quy định về thu phí hòa mạng thuê bao di động trả trước giống như thuê bao trả sau. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ đưa ra những chính sách để khuyến khích phát triển các thuê bao di động trả sau và tiếp tục siết chặt việc quản lý thuê bao di động trả trước. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, văn bản quản lý này sẽ được ban hành dưới dạng thông tư để tăng tính pháp lý chặt chẽ đảm bảo cho thị trường di động Việt Nam phát triển lành mạnh.

Trả sau bị “ngược đãi”

Cục Viễn thông cho rằng, một trong những nguyên nhân khiếm SIM rác hoành hành hiện nay là do chính sách khuyến mãi của nhà mạng khiến cơ cấu cước dịch vụ di động trả trước và trả sau bị méo mó. Trên lý thuyết cước liên lạc dịch vụ trả sau rẻ hơn trả trước, kèm với đó khách hàng sẽ phải mất cước thuê bao. Thế nhưng, thực tế hiện nay việc chạy đua khuyến mãi của các mạng di động đã khiến các thuê bao trả sau trở thành đối tượng bị “ngược đãi” bởi nếu tính toán chi ly thì người dùng trả sau đang bị thiệt. Chẳng hạn cước liên lạc trả trước khoảng 1400 đồng/phút, nhưng được khuyến mãi 100% cho 5 – 10 thẻ nạp đầu tiên và đều đặn hàng tháng có chính sách khuyến mãi tặng 50% thẻ nạp. Trong khi đó, cước trả sau khoảng 1.000 đồng/phút nhưng phải đóng phí thuê bao là 50.000 đồng/tháng. Cục Viễn thông nhận định, với chính sách như hiện giờ, chắc chắn khách hàng sẽ chọn trả trước vì lợi hơn trả sau. Điều này lý giải tại sao tỷ lệ thuê bao trả sau của các mạng di động đang ở mức rất thấp, chỉ chiếm 2 – 5% trong tổng số thuê bao của mỗi mạng.

Thái Khang

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 68 ra ngày 6/6/2012

Dân buôn sim thẻ lo hết cơ hội làm ăn

Khi cơ quan quản lý ngày càng cứng rắn với nạn sim rác cũng là lúc dân buôn sim thẻ ngày càng khó kiếm lời hơn trước. Nguồn thu của họ giờ chỉ trông vào khoản chiết khấu ít ỏi từ việc bán thẻ cào cho nhà mạng.

Từ chỗ làm ăn khấm khá nhờ bán vài chục chiếc sim mỗi ngày, những ngày này chị Nguyễn Thị Huệ, chủ kinh doanh trên đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội đang đối mặt với cảnh ế khách, doanh thu giảm nhanh chóng. Bởi khi Thông tư 04 của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực, chị không còn được kích hoạt, đăng ký thông tin thuê bao mới bằng sim đa năng như trước. Khoản hoa hồng 10.000 đồng cho mỗi lần phát triển thuê bao hay 80.000 đồng khi bán trọn bộ USB 3G kèm sim theo đó cũng bị chặt đứt.

Kinh doanh sim thẻ ngày càng khó. Ảnh: Xuân Ngọc

Từ ngày 1/6, các đại lý phải liên kết với hệ thống của nhà mạng để được duyệt hồ sơ khách hàng trước khi kích hoạt, hòa mạng sim mới. Mà muốn được duyệt hồ sơ khách hàng, các cửa hàng như nhà chị Huệ phải là đại lý chính thức của nhà mạng, có đầy đủ máy vi tính, máy scan… để lưu và đối chiếu thông tin.

“Mình buôn bán cò con, làm sao có thể đầu tư những thiết bị đó, nhất là khi cửa hàng thuê chỉ vẻn vẹn 10m2”, chị Huệ nói.

Anh Nguyễn Hữu Chiến, kinh doanh ở Trương Định, Hà Nội cũng chưa biết sẽ trông vào đâu để nuôi sống gia đình sau khi đã tiêu thụ trót lọt hết số sim rác trong kho. Không phải là đại lý chính thức của nhà mạng nên anh Chiến cũng không có quyền hòa mạng thuê bao mới.

Nguồn thu chính trước đây của anh là sim rác. Nhưng sắp tới, anh không thể tự “sản xuất” hay nhập mặt hàng đó nữa do quy định quản lý thuê bao di động trả trước như cấm buôn bán sim trả trước đã kích hoạt sẵn hay dùng sim đa năng đăng ký thông tin…

Vì vậy những ngày tới đây, nếu tiếp tục kinh doanh, thu nhập chính của anh chỉ trông vào việc bán thẻ cào. Nhưng chiết khấu từ mặt hàng đó quá ít, bán được một triệu đồng thẻ nạp, anh chỉ lãi được 65.000 đồng, trong đó 50.000 đồng đã phải bớt trực tiếp cho khách mua để cạnh tranh với những cửa hàng bên cạnh. “Tính ra mỗi ngày kiếm được 20.000 đồng, tháng 600.000 đồng thì không đủ cho con đi học”, anh Chiến lo lắng.

Là đại lý cấp I của nhà mạng song anh Đỗ Văn Thắng, kinh doanh ở Kim Mã, Hà Nội cũng không tránh khỏi lo âu. Khi thế mạnh sim rẻ tài khoản khủng không còn, cửa hàng nhà anh cũng sẽ bớt khách hàng hơn trowcs. “Cùng là 65.000 đồng một bộ kit, kho số của nhà mạng nhiều hơn, trung tâm chăm sóc khách hàng nhan nhản, người tiêu dùng đâu cần thông qua cửa hàng nhỏ lẻ nữa”, anh nói.

Chưa kể, mỗi lần hòa mạng mới cho khách, anh phải kết nối, quét thông tin khách hàng gửi nhà mạng và chờ hệ thống cho phép. Thao tác đó lâu hơn việc thuê bao đi đăng ký trực tiếp tại những điểm giao dịch nên số lượng người tiêu dùng chọn đại lý kích hoạt sim có thể giảm đi.

Trao đổi với VnExpress.net, nguồn tin từ một doanh nghiệp viễn thông lớn cho biết, sau khi Thông tư 04 có hiệu lực, chính sách áp dụng đối với các đại lý không thay đổi. Theo đó, quyền lợi của đối tác vẫn được đảm bảo đúng luật và hợp đồng. “Trước, nhiều đại lý lách để kinh doanh, chứ sim rác, sim đẹp bị thổi giá chưa bao giờ được nhà mạng cho phép”, ông nói.

Nguồn tin này cho biết thêm, ngoài hoa hồng từ kinh doanh thẻ cào và hòa mạng thành công bộ kit mới, đại lý còn có khoản thưởng từ các chương trình khuyến mãi. Thêm đó, khi bán bộ sản phẩm máy kèm sim hoặc sim đôi của nhà mạng, người kinh doanh đều được hưởng tiền chiết khấu.

Một lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, những quy định quản lý thuê bao di động trả trước có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của một số ít người kinh doanh. Nhưng việc siết chặt là cần thiết để ổn định lại trật tự thị trường viễn thông, giúp phát triển bền vững, thực chất.

Theo ông, việc kinh doanh trái luật được hạn chế cho thấy hiệu quả của thông tư. Điều này không những sử dụng tài nguyên số một cách hợp lý mà còn tránh tình trạng thuê bao ảo lừa đảo hay nạn thổi giá sim số. “Quy định có lợi cho số đông người tiêu dùng thì cần thực hiện”, ông nói.

Xuân Ngọc