Lưu trữ

Archive for Tháng Tư, 2012

Trò ‘bịp’ sim phong thủy

iện trong các cửa hàng bán thiết bị điện thoại di động tại TPHCM đang đồn thổi thông tin mua sim điện thoại hợp phong thủy sẽ phát tài phát lộc.

Tại các đại lý điện thoại tại TPHCM trên các con đường dân cư đông đúc như Hùng Vương (quận 5), Lê Hồng Phong (quận 10), Hưng Phú (quận 8)… đều treo bảng bán sim phong thủy công khai.

Chỉ cần khách hàng cho biết mình thuộc mệnh gì (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), nhân viên bán hàng đưa ra hàng chục sim điện thoại phù hợp với giá vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đặc biệt, tại các cửa hàng cũng có dịch vụ tư vấn cách chọn sim số điện thoại và biển số xe máy, ô tô theo phong thủy.

Quảng cáo sim phong thủy, tứ quý treo đầy trên hè phố.

Khách hàng phải bỏ ra 500.000 đồng/lượt, nhân viên bán hàng sẽ giới thiệu gặp thầy để tư vấn cách chọn sim phong thủy, nhưng phải liên hệ để đặt lịch hẹn vì thầy rất bận. Trường hợp cần tư vấn nhanh trong vòng 24 giờ, thì có thể gửi câu hỏi qua email, phí dịch vụ là 450.000 đồng/mail. Ngay cả việc chọn tên, ngày, giờ sinh con hay xây nhà, đi công tác xa, dịch vụ này đều nhận hết.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Bất động sản Phương Nam ở Phú Nhuận, nghe lời bạn chị Trang bỏ ra 60 triệu đồng để có được cái sim phong thủy với dãy số tiến. Tưởng là tài lộc vô ào ào nào ngờ bất động sản đóng băng, công ty chị giải thể!

ThS Tâm lý học Nguyễn Công Trứ, nguyên giảng viên Trường Đại học Văn Lang TPHCM cho rằng, việc quảng bá sim số điện thoại hợp phong thủy đã đưa ra một khái niệm sai về phong thủy, đây chỉ là chiêu lừa để bán hàng.

Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, việc làm này có thể phù hợp cho những người muốn giải tỏa về tinh thần, tâm lý để mang một hy vọng tốt đẹp, nhưng chắc chắn không có giá trị, do đó không nên tin thái quá vào lời đồn thổi dễ trở thành mê muội.

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, Phó ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Kỳ Quang II cho rằng, đấy chỉ là trò lừa gạt người tiêu dùng cả tin mà thôi và không bao giờ có kết quả người nào đó giàu có, mạnh khoẻ lên nhờ cái số sim điện thoại hợp phong thủy cả, nếu có như vậy thì chắc chắn trong xã hội ta không có ai nghèo khổ. Hay ngay cả biển số xe cũng có người bỏ cả tiền tỉ ra mua biển số xe đẹp hợp tuổi để mong làm ăn phát đạt.

(Theo Bee)

Chuyên mục:Tin tức mạng di động Thẻ:

Sẽ thu phí hòa mạng thuê bao trả trước?

1a.png
Bộ TT&TT sẽ xem xét đề nghị thu phí hòa mạng đối với thuê bao trả trước.

 

ICTnews – Để tránh việc người dùng mua sim thay thẻ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, các mạng di động đang kiến nghị Bộ TT&TT ra tay để ngăn chặn vấn nạn này bằng quy định giảm khuyến mãi và thu phí hòa mạng với cả thuê bao trả trước.

Kiến nghị thu phí hòa mạng, giảm khuyến mãi

Trong buổi họp mới đây với Bộ TT&TT, ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, nếu tình hình phát triển thuê bao cứ như hiện nay thì sẽ không thể quản lý được thuê bao trả trước cho dù chúng ta có đầy đủ các văn bản quản lý. Thực tế thị trường di động cho thấy, người dùng đang mua sim thay thẻ cào là chính. Các thuê bao này dùng hết tài khoản trong vài tuần rồi vứt luôn sim. Như vậy, việc lưu giữ thông tin thuê bao không có ý nghĩa và không thể nào quản lý thông tin cá nhân này được. Một thống kê khá giật mình là vòng đời của một sim được dùng thay thẻ cào trung bình chỉ là 12 ngày. Nếu tình hình này cứ tiếp tục tái diễn thì các mạng di động sẽ là đối tượng chịu thiệt lớn nhất.

Theo con số thống kê của các mạng di động khoảng 5 năm trước đây thì nhà mạng cứ tung ra thị trường 4 sim thì có 1 sim ở lại mạng. Thế nhưng, vấn nạn dùng sim thay thẻ cào hiện nay đã khiến các nhà mạng phải tung ra một số lượng sim “khủng” hơn rất nhiều lần để giữ được 1 thuê bao ở lại mạng. Ông Mai Văn Bình đưa ra con số thống kê năm 2011: MobiFone tung ra thị trường 30 triệu sim, nhưng đến cuối năm chỉ giữ lại được 500.000 sim, tức là chỉ khoảng 1,66%. Điều này chứng tỏ chuyện dùng sim thay thẻ cào đang là vấn nạn khiến các mạng “đau đầu”.

Nguyên nhân của vấn nạn dùng sim thay thẻ cào được các mạng di động chỉ ra rằng do việc các mạng di động chạy đua thu hút thuê bao mới. Chẳng hạn, thuê bao cũ nạp tiền thì chỉ được hưởng khuyến mãi 50% thẻ nạp, nhưng thuê bao mới nạp tiền thì được hưởng 100% thẻ nạp. Vì vậy, khách hàng chắc chắn phải tính toán để dùng sim thay thẻ. Thậm chí đã có thống kê nhiều khách hàng sử dụng cùng lúc đến hàng chục sim khuyến mãi.

Vì vậy, MobiFone cho rằng đã đến lúc cần phải có chính sách làm sao để các thuê bao mới có nhu cầu sử dụng sim mới, còn những khách hàng đang dùng rồi thì phải nạp tiền tiếp để sử dụng chứ không phải mua sim mới thay thẻ. Tuy nhiên, ông Mai Văn Bình cho rằng cần phải quản bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu để tác động lành mạnh hóa thị trường này.

“Chúng ta cần thay đổi hẳn cách phát triển thuê bao mới của các mạng. Nếu mỗi năm MobiFone chỉ phát triển 2 triệu thuê bao mới thì hoàn toàn có thể quản lý chặt chẽ được số thuê bao này. Nếu phát triển đến 30 triệu thuê bao mỗi năm thì dù có bằng các biện pháp hành chính như thế nào đi chăng nữa thì cũng không quản lý xuể được”, ông Mai Văn Bình nói.

Ông Mai Văn Bình đưa ra một ý tưởng là có thể thu cước hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước (giống như thuê bao trả sau). Như vậy, việc quản lý thuê bao di động trả trước sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều so với hiện nay và tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp cũng như Nhà nước. Bên cạnh đó, phía MobiFone còn đề xuất Bộ TT&TT đưa ra mức khuyến mãi giảm xuống khoảng từ 30 – 50%.

Đồng tình với quan điểm của MobiFone, một lãnh đạo Viettel chia sẻ với Báo Bưu điện Việt Nam ở góc độ cá nhân rằng đã đến lúc cần phát triển thuê bao di động thực chất hơn bởi số lượng người dùng mới vào mạng không còn nhiều. “Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng bằng rất nhiều biện pháp kinh tế và hành chính. Trong đó, việc thu phí hòa mạng thuê bao trả trước cũng là sự lựa chọn cho nhóm giải pháp này”, vị lãnh đạo này nói.

Vẫn còn băn khoăn chuyện thu phí hòa mạng

Ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone cho rằng đã đến lúc quản chặt khuyến mãi để tránh việc cạnh tranh quá đà như hiện nay. Theo đó Bộ TT&TT cần ra quy định mức khuyến mãi không vượt quá 50% để các doanh nghiệp tuân thủ. Nhưng đối với việc thu phí hòa mạng của thuê bao trả trước, thì theo ông Tú, cũng cần phải nghiên cứu kỹ. “Bản chất của phí hòa mạng được hiểu là phí cho quyền được tham gia mạng di động đó. Thuê bao trả trước được quảng cáo là không phí thuê bao, không phí hòa mạng. Tuy không phải đóng phí này, nhưng cước cuộc gọi của thuê bao trả trước cao hơn trả sau. Nếu đề nghị thuê bao trả trước đóng phí hòa mạng thì giống như quy định đối với thuê bao trả sau…”, ông Phạm Ngọc Tú nói.

Sẽ xem xét việc thu phí hòa mạng thuê bao trả trước

Trước đề xuất của các mạng di động về việc thu phí hòa mạng thuê bao trả trước và giảm mức khuyến mãi cho các thuê bao này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng Thông tư 11 về quản lý khuyến mãi đã có tác dụng. Nếu như trước đây, gần như tháng nào nhà mạng cũng liên tục xin đầu số thì khoảng 2 năm nay gần như không còn việc xin đầu số nữa. Tuy nhiên, trước vấn nạn mua sim thay thẻ cào như hiện nay, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đề nghị Cục Viễn thông xem xét vấn đề thu phí hòa mạng thuê bao trả trước cũng như quy định giảm khuyến mãi.

Thái Khang

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 51, 52, 53 ra ngày 27/4/2012.

VinaPhone ra khuyến mãi gói cước siêu rẻ U+

Vina.jpg
Thuê bao trả trước có thể đăng ký nhiều gói U+ trong ngày. Ảnh: TH

 

ICTnews – Ngày 26/4/2012, VinaPhone triển khai chương trình khuyến mãi Gói cước siêu rẻ U+. Khách hàng sẽ được hưởng miễn phí 30 phút mỗi ngày gọi nội mạng và cố định VNPT tại tỉnh, thành phố nơi phát sinh cuộc gọi.

Cụ thể thuê bao trả trước hòa mạng từ 1/2/2012 đến 15/4/2012 và từ 23/4/2012 đến 31/5/2012 đang hoạt động trên mạng, đăng ký gói cước này sẽ được hưởng miễn phí 30 phút mỗi ngày gọi nội mạng và cố định VNPT tại tỉnh, thành phố nơi phát sinh cuộc gọi trong thời gian từ 0h00 đến hết 20h00 các ngày trong tuần. Hơn nữa, khi đăng ký gói siêu rẻ U+ khách hàng còn được gọi đến các thuê bao trong nước với mức cước của thuê bao trả sau. Khách hàng đăng ký gói U+ bằng cách soạn tin “U+” gửi 900, mức phí 2.000 đồng/ngày.Thuê bao trả trước có thể đăng ký nhiều gói U+ trong ngày. Số phút gọi nội mạng VNPT miễn phí có hiệu lực sử dụng trong ngày và được tự động gia hạn (có tính cước 2.000 đ/lần gia hạn) trong các ngày tiếp theo.

Thu Hồng

GTel Mobile: Beeline mất nhưng BigZero vẫn còn

Về bản chất, đây chỉ là vấn đề thay đổi thương hiệu Beeline VN bằng một thương hiệu mới, toàn bộ các gói cước đã và đang cung cấp trên thị trường vẫn duy trì tên gọi và các chính sách liên quan.
Thuê bao của Beeline được đảm bảo đầy đủ quyền lợi khi GTel thay đổi thương hiệu
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Dư, Phó Tổng Giám đốc GTel Mobile sau sự kiện GTel Mobile tuyên bố mua lại 49% cổ phần của VimpelCom, để sở hữu 100% mạng Beeline Việt Nam.
Đây là quyết định bất ngờ của VimpelCom, bởi trước đây 1 năm tập đoàn này tuyên bố sẽ đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam  đưa Beeline trở thành mạng đứng đầu trong số các mạng nhỏ trên thị trường. Đại diện VimpelCom lý giải, việc bán lại cổ phần nằm trong chiến lược phát triển chung của tập đoàn này trên toàn cầu, khi quyết định thu gọn lại hoạt động tại một số khu vực và vùng lãnh thổ nhằm tập trung vào các thị trường trọng điểm.
Dù vậy, sự chuyển nhượng này khiến nhiều người lo ngại về tương lai khó khăn của các mạng di động nhỏ trong đó có Beeline. Tuy nhiên, ông Dư khẳng định việc thay đổi thành phần chủ sở hữu là hoạt động bình thường vẫn xảy ra tại các công ty cổ phần.
“Ngay khi phía đối tác phía bạn có ý định nhượng lại cổ phần, chúng tôi đã cho rằng đây là cơ hội tốt cho GTel Mobile, vì chúng tôi nhìn nhận thấy thị trường viễn thông di động Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Không thể phủ nhận những gì Beeline Việt Nam đã xây dựng được là rất có giá trị đối với bất kỳ một nhà khai thác viễn thông nào. Trên thực tế, hiện doanh nghiệp vẫn đang hoạt động rất ổn định và đã có những thành tựu đáng kể trong kinh doanh, với sự tin dùng của nhiều triệu khách hàng. Có thể thấy rõ, các nhà khai thác bản địa đang rất thành công do có sự am hiểu thị trường nội địa. Do đó, với quyền nắm giữ 100% cổ phần và sự am hiểu thị trường nội địa, GTel quyết tâm nắm lấy cơ hội đầu tư này và tin tưởng sẽ thành công. Việc kế thừa những thành quả Beeline đạt được trong thời gian qua sẽ tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho trên thị trường ” – ông Dư khẳng định.
Phía GTel Mobile cũng cho biết, đang tập chung để đưa ra thị trường một thương hiệu mới, thay cho hinh ảnh chú gà sọc vàng đen Beeline. Theo đó, trong vòng 6 tháng nữa thương hiệu này sẽ không còn xuất hiện trên thị trường nữa.
Thông tin này khiến các thuê bao của Beeline lo lắng,  bởi trước đó, nhà mạng này đã đưa ra những gói cước đình đám như:  BigZero, Tỷ phú với nhiều khuyến mãi “khủng” còn kéo dài trong thời gian dài tới. Về vấn đề này ông Dư khẳng định: “Về bản chất, đây chỉ là vấn đề thay đổi thương hiệu, chúng tôi sẽ thay thương hiệu Beeline VN bằng một thương hiệu mới. tuy nhiên, toàn bộ các gói cước đã và đang cung cấp trên thị trường vẫn duy trì tên gọi hiện nay và hơn hết các chính sách liên quan đến các gói cước này đều sẽ không thay đổi. Cùng đó, tất cả các cam kết của Công ty đối với khách hàng cũng như đối tác sẽ không thay đổi và vẫn sẽ được Công ty thực hiện bình thường; các hoạt động kinh doanh và chiến lược phát triển dài hạn của công ty vẫn tiếp tục được triển khai”.
Theo P.T
Dân trí
Chuyên mục:Beeline Thẻ:,

‘Đại gia’ di động Nga VimpelCom lỗ bao nhiêu trong thương vụ Beeline?

Nếu hai khoản đầu tư 267 triệu USD và 196 triệu USD như tuyên bố đã hoàn tất thì VimpelCom đã đầu tư vào Beeline tại Việt Nam 463 triệu USD, trong khi đó chỉ bán được với giá là 45 triệu USD.
Beeline từng gây sóng gió thị trường với gói cước Tỷ phú. Ảnh: Q.A
VimpelCom lỗ bao nhiêu?
Theo hãng tin Reuters, ngày 23/4, VimpelCom tuyên bố đã ký thỏa thuận bán lại toàn bộ 49% cổ phần của họ tại GTel Mobile – công ty cung cấp mạng di động Beeline tại Việt Nam. Theo các điều khoản của thỏa thuận, đối tác sẽ trả bằng tiền mặt với giá trị 45 triệu USD. Sau khi hoàn tất việc mua bán, VimpelCom sẽ không còn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nghiệm đối với GTel Mobile. Ngoài ra, GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline sau 6 tháng kể từ ngày chuyển giao.
Bình luận về thương vụ trên, lãnh đạo một mạng di động tại Việt Nam cho rằng mức giá 45 triệu USD mà GTel mua 49% cổ phần của Beeline là mức giá quá hời. Chỉ phải bỏ ra chưa đầy 1.000 tỷ đồng, GTel đã có trọn Beeline. Để xây dựng được 1 mạng di động tại Việt Nam, số tiền được nói tới phải là con số cả tỷ USD.
“Động thái của VimpelCom được xem như hành động cắt lỗ trong dự án Beeline tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ VimpelCom đã không còn nhìn thấy cơ hội cho mình và buộc phải bán rẻ cổ phần của mình nếu không muốn tiếp tục “sa lầy” vào dự án Beeline ở Việt Nam”, vị lãnh đạo này nói.
Cho đến thời điểm này, VimpelCom chưa công bố số lỗ bao nhiêu trong thương vụ Beeline tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ cần một phép thống kê đơn giản cũng cho thấy mức chênh lệch giữa số tiền mà VimpelCom đã đầu tư với số tiền bán cổ phần cho GTel là số lỗ không nhỏ.
Trước đó, ngày 8/7/2008, VimpelCom và GTel đã ký kết thành lập Công ty cổ phần di động GTel Mobile. Trong GTel Mobile, VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần tương đương khoản đầu tư tài sản 267 triệu USD. Đến tháng 4/2011, VimpelCom tuyên bố đến năm 2013 sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Beeline, đưa tổng mức đầu tư cho mạng này lên 1 tỷ USD, nếu đạt các mục tiêu kinh doanh và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Ông Michael Cluzel, Tổng giám đốc GTel Mobile cho biết trong một năm tới, Beeline dự định sẽ xây dựng thêm 5.000 trạm phát sóng trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán hàng lên 50.000 và mở rộng tổng số nhân viên Beeline lên tới 1.000 người. Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTel Mobile từ 40% lên 49%. Toàn bộ các khoản đầu tư sẽ được sử dụng cho sự phát triển của liên doanh GTel Mobile.
Khoản đầu tư còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo nếu Liên doanh GTel Mobile đạt được các mục tiêu kinh doanh nhất định cũng như nhận được các chấp thuận cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, lợi ích kinh tế của tập đoàn VimpelCom sẽ tăng từ 49% lên 65%. Với khoản đầu tư mới này, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn VimpelCom dành cho hoạt động tại Việt Nam có thể lên tới 1 tỷ USD, bao gồm cả khoản đầu tư đã thực hiện trước đó.
Nếu hai khoản đầu tư trị giá 267 triệu USD và 196 triệu USD như tuyên bố đã hoàn tất thì VimpelCom đã đầu tư vào Beeline tại Việt Nam tổng cộng là 463 triệu USD. Trong khi đó VimpelCom chỉ bán được với giá là 45 triệu USD.
Vì sao Beeline gặp khó?
Nếu so với các mạng di động của Nhà nước như MobiFone, VinaPhone và Viettel, thì mạng di động thứ 7 là Beeline đã đem lại cho thị trường sự sôi động mới với nhiều sáng tạo. Sự xuất hiện của Beeline với gói cước ấn tượng BigZero đã khiến cho các mạng di động lớn phải lo ngại. Thế nhưng, những điều đó đã không đủ để giúp Beeline có thể tìm kiếm được vị trí trên thị trường di động Việt Nam.
Lãnh đạo một mạng di động nhận xét, ở Việt Nam các mạng di động của Nhà nước đang nắm tới 95% thị trường. Vì là yếu tố sở hữu Nhà nước nên đôi khi những nhà mạng này áp dụng chiêu thức cạnh tranh “không vì lợi nhuận”. Điều đó giống như kiểu chúng ta lên đài thi đấu nhưng không rõ theo luật nào. Điều này khó khăn cho các nhà mạng muốn chơi trong “đấu trường” chuyên nghiệp.
Trong buổi họp mới đây với Bộ TT&TT, các mạng di động đề nghị Bộ TT&TT quản chặt các mạng di động để tránh cuộc cạnh tranh theo kiểu “cùng đẩy nhau xuống vực thẳm”. Các mạng thừa nhận đã có quá nhiều hình thức cạnh tranh theo kiểu phá thị trường. Nếu Bộ TT&TT không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ thị trường.
Khi Beeline vào thị trường Việt Nam thì thời điểm thuê bao đã ở mức sắp bão hòa và việc triển khai mở rộng vùng phủ sóng vô cùng khó khăn. Không dừng lại ở đó, Beeline lại lỗi hẹn với 3G sau khi Bộ TT&TT tiến hành thi tuyển. Điều đó có nghĩa Beeline buộc phải “chung thủy” với băng tần 1800 MHz. Nếu mạng di động mới triển khai trên băng tần này sẽ gặp khó khi triển khai cung cấp dịch vụ trên toàn quốc bởi băng tần này phải đầu tư nhiều trạm BTS để phủ sóng, trong khi đó những nhà khai thác khác có được băng tần 800 – 900 MHz sẽ chỉ phải đầu tư ít hơn nên hiệu quả đầu tư sẽ tốt hơn.
Không phải những khó khăn của Beeline bây giờ mới được Beeline nhắc đến. Ngay từ thời điểm VimpelCom ký kết với GTel để lập liên doanh GTel Mobile, Báo Bưu điện Việt Nam đã đưa ra nhận định: “Cửa đã quá hẹp với Beeline”.
Chiều ngày 23/4, Beeline đã xác nhận với Bưu điện Việt Nam là GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline sau 6 tháng kể từ khi chuyển giao. Hiện GTel chưa công bố phương án thay thế thương hiệu Beeline. Năm 2009, thương hiệu Beeline được đánh giá vào khoảng 8,9 tỷ USD và lọt vào Top 100 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh và Top 10 tên tuổi đắt giá nhất trên thị trường viễn thông (Theo hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Millward Brown Optimor). Nguồn tin của Bưu điện Việt Nam cho hay, nhiều vị trí nhân sự cấp cao của VimpelCom đang làm việc tại Beeline Việt Nam đã về nước. Quá trình chuyển giao của VimpelCom và GTel bắt đầu được tiến hành.
Theo Thái Khang
Bưu điện Việt Nam/ICTnews
Chuyên mục:Beeline Thẻ:

S-Fone chưa “thay máu” do còn tìm kiếm đối tác rót vốn?

S-Fone đã làm việc và đàm phán với một đối tác viễn thông lớn tại khu vực châu Á, có trụ sở chính tại Malaysia và một đối tác mang quốc tịch Anh.
– S-Fone vẫn chưa triển khai kế hoạch chuyển đổi sang 3G (HSPA) chủ yếu vì vấn đề nguồn vốn.
– Công ty chủ quản SPT liên tục lỗ trong 3 năm gần đây, tổng số lỗ đến giữa năm 2011 là 186 tỷ đồng.
– Cổ đông lớn nhất là Saigontel cũng lỗ 113,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2011.
– S-Fone đã làm việc và đàm phán với một đối tác viễn thông lớn tại khu vực châu Á, có trụ sở chính tại Malaysia và một đối tác mang quốc tịch Anh.
Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), công ty chủ quản mạng S-Fone đang triển khai một số kế hoạch nhằm tiếp cận các nguồn tài chính khác để đầu tư cho mạng S-Fone.
Mặc dù đã có được sự chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc chuyển đổi từ công nghệ CDMA sang HSPA (3G), nhưng đến thời điểm này, S-Fone vẫn chưa công bố bất cứ thông tin nào về kế hoạch chuyển đổi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Tiến Thịnh, Tổng giám đốc S-Fone cho biết, “vì một số lý do, S-Fone chưa thể công bố chi tiết về kế hoạch chuyển đổi công nghệ tại thời điểm này”. Tuy nhiên, ông Thịnh khẳng định, quá trình chuyển đổi công nghệ của S-Fone đã và đang được lên kế hoạch chi tiết, khoa học và hợp lý, đảm bảo tối đa cho quyền lợi của khách hàng cũng như hiệu quả đầu tư cho S-Fone.
Theo nhận định của giới chuyên môn, điều quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi công nghệ của S-Fone hiện nay là nguồn vốn, vì theo kinh nghiệm chuyển đổi công nghệ của Vietnamobile, đối tác nước ngoài đã phải rót thêm khoản tiền khá lớn. Trong khi đó, với trường hợp của S-Fone, có thể thấy đơn vị chủ quản mạng này là SPT rất khó có đủ nguồn lực để “hà hơi thổi ngạt” cho S-Fone.
Theo báo cáo tài chính của SPT, trong 3 năm liên tiếp (từ 2008 – 2010), Công ty đều hoạt động trong tình trạng lợi nhuận âm. Tính sơ bộ, tổng số lỗ của SPT đến giữa năm 2011 đã lên đến con số gần 186 tỷ đồng.
Vậy các cổ đông lớn của SPT có đủ lực để hỗ trợ S-Fone? Cổ đông lớn nhất của SPT hiện là SaigonTel (nắm 30% vốn điều lệ của SPT), mới đây cũng đã phải gửi văn bản lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình về khoản lỗ 113,79 tỷ đồng trong năm tài chính 2011.
Như vậy, có thể nói S-Fone không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực tài chính từ đơn vị chủ quản hay các cổ đông lớn có cổ phần trong SPT, mà phải tiếp tục “ngậm sâm” để tìm kiếm các đối tác tiềm năng. Theo ông Thịnh, “SPT đã và đang triển khai một số kế hoạch nhằm tiếp cận các nguồn lực tài chính khác để trực tiếp đầu tư vào mạng S-Fone. Do vậy, chiến lược phát triển của S-Fone cũng không phụ thuộc nhiều vào SaigonTel”.
Ông Thịnh cho biết thêm, SPT đang trong quá trình trao đổi và làm việc với một số đối tác trong nước cũng như nước ngoài, tuy nhiên vì một số điều khoản thỏa thuận giữa các bên, nên chưa thể công bố danh tính của đối tác.
S-Fone đã làm việc và đàm phán với một đối tác viễn thông lớn tại khu vực châu Á, có trụ sở chính tại Malaysia và một đối tác mang quốc tịch Anh, theo báo Đầu tư.
Ngay cả khi S-Fone tìm được Mạnh Thường quân bạo tay chi tiền cho việc chuyển đổi công nghệ thì tại thời điểm này, S-Fone cũng đang ở trong cuộc chơi mạo hiểm. Trước tiên là hiện vai vế trên thị trường viễn thông Việt Nam đã được phân chia, tỷ lệ thuê bao được coi là bão hòa, với con số thuê bao di động tính đến hết quý I/2012 là 118,7 triệu thuê bao.
Tuy nhiên, ông Thịnh vẫn khá lạc quan khi đưa ra nhận định, công nghệ 3G không còn là mới mẻ, nhưng dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách với các nước và là mảng kinh doanh nhiều tiềm năng.
“S-Fone sẽ cân nhắc áp dụng một số mô hình đã triển khai thành công trên thế giới để tối ưu hóa chi phí đầu tư, trong đó, nếu biết tận dụng lợi thế tần số 850Mhz (tần số hiện có của S-Fone), chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu cung cấp dịch vụ tiên tiến nhất, chất lượng tốt nhất với chi phí đầu tư thấp nhất, và điều này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như sự hài lòng của khách hàng”, ông Thịnh nói.
Khó khăn tiếp theo của S-Fone là, sau một thời gian dằng dai chuyển đổi mô hình hoạt động, nhà mạng này đã mất đi phần lớn số thuê bao và vùng phủ sóng bị thu hẹp. Hiện S-Fone chỉ còn ngót nghét 3 triệu thuê bao và chưa đầy 1.000 trạm phát sóng. Chắc chắn, SPT và các nhà đầu tư quyết bỏ vốn vào S-Fone sẽ phải tính toán nát óc để phát triển thuê bao, mở rộng vùng phủ sóng ngay trong điều kiện các “ông lớn” khác đang thị uy sức mạnh.
Theo Báo Đầu tư
Chuyên mục:Tin tức mạng di động Thẻ: