Lưu trữ

Archive for the ‘Sim trả trước’ Category

Quản chặt Sim trả trước để phát triển ổn định

 – Được hiểu là những SIM di động được khai báo sai thông tin nhằm mục đích kích hoạt trước, bán kiếm lời của đại lý, các thuê bao trả trước “ma” ngày càng bị siết chặt và loại bỏ bởi những quy định nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý.

Siết trả trước – thuê bao giảm nhưng lợi nhuận vẫn… tăng

Theo con số từ Tổng cục thống kê đưa ra thì khoảng Quý I/2011, toàn quốc có xấp xỉ 150 triệu thuê bao di động bao gồm cả trả trước lẫn trả sau. Tuy nhiên, ngay sau đợt tăng trưởng nóng này, Bộ Thông Tin – Truyền Thông và nhà mạng đã sớm có những phối hợp nhằm siết chặt việc quản lý thuê bao.

Tối hậu thư mà Bộ đưa ra cho nhà mạng chính là việc sẽ chỉ cho thời hạn từ 7 đến 10 ngày để các thuê bao trước đây đăng ký sai có thời gian cập nhật lại thông tin chuẩn xác. Động thái này được đánh giá là bước làm tiếp theo sau khi Bộ đã ban hành các thông tư, chế tài về xử lý khuyến mại vượt trần, khai man thông tin trả trước và cả việc nhà mạng dung túng cho đại lý khai khống thông tin khách hàng.

Kết quả là con số thuê bao Quý II/2011, toàn quốc chỉ còn hơn 112 triệu thuê bao, với việc mất tới gần 30 triệu thuê bao di động, tương ứng với khoảng 15%.

Tại thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ TT^TT Trần Đức Lai cũng tỏ ra bất ngờ về việc hàng chục triệu thuê bao di động “bốc hơi” sau chiến dịch của Bộ. Nhưng ông Lai cũng lạc quan cho rằng việc thống kê thuê bao/mật độ dân sẽ phản ánh chính xác nhất thị trường viễn thông di động Việt Nam, cũng như đánh giá cao việc các nhà mạng đang dần thực hiện tốt việc quản lý thuê bao trả trước.

Song song với việc ban hành các quy chế, chế tài quản lý mới, trong năm này Bộ TT&TTcũng tiến hành phối hợp với Bộ Công an để tiến hành rà soát hơn 4 triệu thuê bao của 3 nhà mạng lớn gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone tại khu vực Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh nhằm đối chiếu thông tin khách hàng đã khai báo. Đã có tới 130.000 thuê bao trả trước vi phạm về kích hoạt dịch vụ bị “trảm” trong đợt rà soát.

Bằng việc làm mạnh tay này, số lượng thuê bao di động Việt Nam giữ ở mức ổn định liên tiếp 2 Quý cuối năm và dừng ở ngưỡng 116 triệu thuê bao trong bảng tổng kết của Tổng cục Thống kê năm 2011.

Điều đáng nói là, việc mất một lượng lớn thuê bao di động lên tới hàng chục triệu dường như không làm ảnh hưởng bất cứ quyền lợi nào của người tiêu dùng cũng như các nhà mạng, bởi theo các thông cáo báo chí về doanh thu năm 2011 của VNPT, Viettel đều đạt những mức tăng trưởng cả trăm ngàn tỷ mà trong đó lợi nhuận chủ yếu từ viễn thông di động.

Siết chặt vòng kim cô với thuê bao trả trước

Một sự thực nhãn tiền là việc siết chặt quản lý thông tin thuê bao trả trước không phải là một chế tài mới mẻ, bởi nó đã được ban hành từ cách đây 4 năm và Bộ TT&TT liên tục tạo điều kiện cho người dùng, đại lý, nhà mạng thực thi triệt để quy định mới này.

Không khó để thấy, việc tăng trưởng nóng viễn thông di động trong các năm qua là một thực trạng đáng báo động, bởi nó dẫn tới hàng chục vấn đề phát sinh trong đó cả việc cháy kho số, lãng phí tài nguyên và cả các vấn nạn lừa đảo, spam qua tin nhắn từ các thuê bao rác.

Tới đây, theo thông tư số 04/2012/TT-BTTTT, các thuê bao trả trước đã đăng ký sẵn thông tin “ma” sẽ bị nghiêm cấm lưu hành và mua bán. Sau hàng loạt hành động nhằm thắt chặt quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng động thái tiếp theo của Bộ TT&TTsẽ là “quả đấm thép” đối với những đại lý, nhà mạng vẫn còn đang làm ăn sai luật như hiện nay.

Trong thông tư mới ban hành này cũng nhấn mạnh việc cấm sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác. Theo đó, khi tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao, nhân viên giao dịch phải yêu cầu chủ thuê bao cung cấp bản sao CMND, hộ chiếu để lưu giữ, kèm theo bản gốc để đối chiếu.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành viễn thông cho biết: “Sau khi thông tư này được triển khai triệt để, chắc chắn con số thuê bao di động sẽ có sự sụt giảm thêm, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng bởi cơ chế quản lý chặt chẽ sẽ đưa thị trường về một mức tăng trưởng ổn định”.

Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý thông tin thuê bao trả trước còn góp phần giúp nhà mạng thu hồi lại các SIM ảo đang bị chiếm dụng bởi đại lý, tái đầu tư khai thác hiệu quả và tối ưu hơn cũng như hạn chế một cách tối đa các hình thức lừa đảo qua SIM “rác”.

Có thể thấy, qua các đợt khép chặt dần quy chế như thế này, ý thức sử dụng của người dùng cũng như cung cách quản lý của nhà mạng cũng được cải thiện rõ rệt. Điều này không những góp phần tạo nên sự tăng trưởng ổn định như kỳ vọng mà đây còn tạo một diện mạo mới cho nền viễn thông di động Việt Nam, vốn trước nay vẫn bị gán cái mác “tăng trưởng nóng nhưng thiếu tính ổn định”.

Vương Long

Cấm mua bán SIM trả trước đã kích hoạt sẵn

– Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư số 04/2012 về Quản lý thuê bao di động trả trước, nghiêm cấm việc mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng kí thông tin thuê bao theo quy định hoặc đăng kí thông tin thuê bao không theo quy định.


Khách hàng sẽ phải đăng ký thông tin cá nhân tại các điểm giao dịch.
Thông tư cũng cấm sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao; cấm tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước trái pháp luật.

Theo Thông tư 04, các chủ thuê bao phải đến điểm đăng ký thông tin để cung cấp số thuê bao, xuất trình CMND (hoặc hộ chiếu) đối với người có quốc tịch Việt Nam, hộ chiếu đang còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch nước ngoài, giấy giới thiệu cùng với bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập của cơ quan, tổ chức đối với người đại diện cho cơ quan, tổ chức cho nhân viên hoặc chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao; điền thông tin đăng ký vào “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước” theo mẫu thống nhất do doanh nghiệp ban hành. Đối với người dưới 14 tuổi phải có bố mẹ hoặc người giám hộ bảo lãnh đăng ký.

Khi tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao, nhân viên giao dịch phải yêu cầu chủ thuê bao cung cấp bản sao CMND, hộ chiếu để lưu giữ, bản gốc để đối chiếu; sao (photocopy) hoặc quét (scan) lại CMND, hộ chiếu (đối với điểm đăng ký thông tin thuê bao tại các phường thuộc các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); kiểm tra và đối chiếu với thông tin trong “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước”.

Trong trường hợp phát hiện bản khai thông tin thuê bao không đúng với CMND, hộ chiếu xuất trình; hoặc CMND, hộ chiếu không hợp lệ thì nhân viên giao dịch không được chấp nhận thông tin đăng ký và phải thông báo cho chủ thuê bao biết.

Bản sao hoặc quét CMND, hộ chiếu và số liệu thông tin thuê bao đã được đăng ký hợp lệ tại điểm đăng ký thông tin thuê bao phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu tập trung của DN cung cấp dịch vụ di động chậm nhất là 12 giờ kể từ khi tiếp nhận được bản khai cùng với tên, địa chỉ của chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao qua đường kết nối Internet. Chủ thuê bao có thể tự kiểm tra thông tin thuê bao của mình dưới hai hình thức: truy nhập vào website của DN cung cấp dịch vụ di động hoặc gửi tin nhắn theo cú pháp TTTB gửi 1414.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để thu thập, lưu giữ, quản lí thông tin thuê bao. Tổ chức và phối hợp triển khai việc kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành về viễn thông và an ninh quốc gia.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2012.

TP

Nguon: vietnamnet

Quản lý TB trả trước: Cần sự thống nhất trong cả nước

 

1a.png
Các DN viễn thông cho rằng việc quản lý thuê bao trả trước cần thực hiện thống nhất trên cả nước.

Quản lý TB trả trước: Cần sự thống nhất trong cả nước

ICTnews – Đại diện các doanh nghiệp viễn thông cho rằng, việc quản lý thuê bao trả trước cần thực hiện thống nhất trên cả nước bởi nếu chỉ một mình TPHCM làm sẽ rất khó cho họ.

 Trong buổi họp về đẩy mạnh công tác quản lý thuê bao trả trước do Sở TT&TT TPHCM tổ chức sáng 28/3, đại diện các doanh nghiệp viễn thông đề nghị Sở TT&TT cần làm việc với Bộ TT&TT để việc quản lý được tiến hành một cách đồng bộ trong cả nước.

Ông Lê Xuân Nguyên, Trưởng phòng Kế hoạch bán hàng và Marketing, Trung tâm II của MobiFone tại TPHCM đề xuất, về vấn đề quản lý thuê bao trả trước, Sở TT&TT TPHCM cần làm việc với Bộ TT&TT để triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh thành trong cả nước. Bởi nếu chỉ riêng TPHCM làm sẽ không hợp lý vì thông tin không chỉ riêng một khu vực. Chẳng hạn, tại TPHCM, thuê bao trả trước của MobiFone do Trung tâm II quản lý, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều thuê bao đến từ trung tâm các tỉnh khác việc quản lý này rất khó. Bên cạnh đó, phải yêu cầu các nhà mạng thống nhất với nhau để thực hiện bởi nếu chỉ một đơn vị làm mà đơn vị khác không làm là rất khó vì doanh nghiệp làm kinh doanh bên cạnh đảm bảo chỉ tiêu công ty còn có việc cạnh tranh với các đơn vị khác.

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Tuyến, Phó giám đốc Viettel tại TPHCM cho biết, Viettel ủng hộ việc siết chặt quản lý thuê bao trả trước. Tuy nhiên bắt buộc phải có sự đồng bộ trong việc quản lý giữa các tỉnh vì Viettel TPHCM chỉ quản lý thuê bao Viettel đăng ký tại TPHCM, còn thuê bao các tỉnh khác thuộc bộ phận khác quản lý. Điển hình cho thấy, từ khi siết chặt tại TPHCM, số lượng thuê bao trả trước của Viettel phát sinh mới hàng tháng ở TPHCM có giảm nhưng thực tế lượng thuê bao vẫn không giảm, do từ địa phương khác chạy về.

Về phía đại lý, cần có sự quản lý thống nhất bởi nếu chỉ Viettel thực hiện siết chặt thuê bao trả trước mà các nhà mạng khác không làm sẽ dẫn đến tình trạng đại lý không bán hàng của Viettel nữa mà bán của nhà mạng khác, gây ảnh hưởng đến kinh doanh. Do đó, phải có chế tài với các đại lý và cả chế tài với người dùng, nếu họ đang sở hữu số điện thoại không đúng, cần xử phạt một trường hợp điển hình xong đưa lên truyền thông đại chúng để người dân ý thức hơn.

Trước các ý kiến của nhà mạng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, trong thời gian tới Sở sẽ tiến hành làm việc với Bộ TT&TT, kiến nghị về vấn đề quản lý thuê bao trả trước, đảm bảo thực hiện một cách thống nhất trên toàn quốc. Nếu cuộc họp này không có kết quả, UBND TPHCM sẽ trực tiếp làm việc với Bộ TT&TT, lãnh đạo các ban ngành về vấn đề này. Ông Bùi Việt Dương, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông cũng cho biết, Sở TT&TT TPHCM đang phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh thành khác để phối hợp thực hiện công tác quản lý thuê bao trả trước một cách đồng bộ.

Lê Bình

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 39, 40 ra ngày 30/3/2012.

Hốt bạc từ lỗ hổng của nhà mạng

 

Làm sim sinh viên không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, cấp lại sim chính chủ không cần chứng minh thư…, ngày càng nhiều cá nhân “mượn” hệ thống nhà mạng để kiếm lợi, trái quy định pháp luật.

“Bạn không phải là sinh viên nhưng muốn sử dụng gói cước sinh viên?”, “Nhận làm mới và chuyển thuê bao chính chủ sang sim sinh viên”, “Gia hạn sim sinh viên thêm 5 năm”…, những rao vặt kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều trên Internet. Theo đó, bất kỳ ai có nhu cầu và sẵn sàng trả 150.000 – 200.000 đồng đều có thể sở hữu gói cước ưu đãi chỉ dành cho sinh viên của các nhà mạng lớn.

Nhận làm dịch vụ trên gần một năm nay, trung bình mỗi ngày anh Nguyễn Thanh Hùng, sống ở Hà Nội có đơn đặt hàng của 5-6 vị khách, thu về một đến 1,1 triệu đồng. Anh Hùng quảng cáo, người đi làm hay đã nghỉ hưu, khách hàng trẻ tuổi hay đã già, anh đều có thể làm sim sinh viên mới cho họ hay chuyển số điện thoại chính chủ sang gói cước sinh viên.

“Thông thường, mỗi người chỉ được đăng ký một thuê bao sinh viên nhưng mình có thể làm cho bạn bao nhiêu tùy thích, không phân biệt tuổi tác hay nghề nghiệp”, anh Hùng khẳng định.

Ảnh: Xuân Ngọc
Nhiều chính sách ưu đãi của nhà mạng bị lợi dụng, trở thành dịch vụ kinh doanh của cá nhân bên ngoài. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc

Cũng sống bằng nghề buôn sim sinh viên “ảo”, anh Nguyễn Văn Long, cho biết, nửa năm gần đây, lượng khách gọi điện đặt hàng tăng gấp 2-3 lần. Anh chia sẻ, cước gọi và nhắn tin chỉ bằng 50% so với những thuê bao thông thường, lại được cộng 25.000 đồng mỗi tháng… là những lý do khiến nhiều người muốn làm sim loại này.

Không riêng với sim sinh viên, tất cả các gói ưu đãi có giới hạn đối tượng khách hàng của nhà mạng như sim đoàn viên, sim ngư dân…, nếu khách có nhu cầu, anh Long đều có thể cung cấp. Nhờ đó, mỗi tháng, anh Long thu nhập không dưới chục triệu đồng nhờ dịch vụ này.

Anh thông tin thêm, cách làm gói cước ưu đãi dựa vào chứng minh thư của một bạn sinh viên hay đoàn viên nào đó đã cũ. Hiện, anh thường làm mới và sang tên chính chủ cho bất kỳ thuê bao nào có nhu cầu, dù chứng minh của họ ghi năm sinh bao nhiêu và không cần thẻ học sinh-sinh viên. Tuy nhiên, khi hỏi bí quyết, chủ kinh doanh này từ chối tiết lộ.

“Thông tin được đăng ký trên chính hệ thống nhà mạng nên hưởng ưu đãi nghe, gọi, nhắn tin giá rẻ trong suốt 5 năm. Khách có lợi dài hạn, chúng tôi chỉ hưởng chút tiền công thôi”, anh Long khẳng định.

Với lý do “có người thân làm trong nhà mạng”, anh Lê Đức Mạnh, sống ở Hà Nội nhận cấp lại sim cho những người bị mất mà không cần chứng minh thư hay đến các văn phòng giao dịch. Theo đó, khách hàng có nhu cầu chỉ cần cung cấp cho anh Mạnh số thuê bao, số chứng minh thư, danh sách 10 cuộc gọi trong 6 tháng trở lại… và chuyển phí 100.000 – 300.000 đồng, tùy hãng viễn thông.

Theo anh Mạnh, nhiều người vô tình bị mất sim nhưng lại không có thời gian đi cấp lại nên dịch vụ anh mở ra khá đông khách. Trong vòng nửa đầu tháng 3, anh đã nhận cấp lại sim trót lọt cho 10 vị khách. “Vấn đề là tôi truy cập được vào hệ thống nhà mạng để cấp lại seri sim mới cho số thuê bao đó. Còn chuyện giả mạo thì không lo, chỉ cần những thông tin họ cung cấp trùng khít với dữ liệu của sim bị mất trên hệ thống là yên tâm chính chủ”, anh Mạnh nói.

Tuy nhiên, việc nở rộ những dịch vụ này cùng chuyện giả mạo đầu số tổng đài, giả danh nhân viên viễn thông gần đây khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Chị Hà Thu, sống ở Tây Sơn, Hà Nội cho rằng, nếu nhiều người có thể vào được dữ liệu của nhà mạng để thay tên đổi chủ, chuyển gói cước, hòa mạng thuê bao mới… thì số phận thông tin của những khách hàng khác cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của VinaPhone cho biết, tất cả những hành vi cấp lại sim không qua trung tâm giao dịch, làm sim sinh viên sai đối tượng hay giả mạo đầu số, nhân viên tổng đài… đều là trái quy định của các mạng di động và pháp luật. Theo ông, điều này có thể xảy ra do một vài đại lý, cá nhân thực hiện không đúng quy trình, thủ tục nhưng rất khó có chuyện đột nhập được vào hệ thống dữ liệu”.

Ngoài ra, lãnh đạo nhà mạng VinaPhone khuyến cáo tất cả các thuê bao nên cẩn thận, cảnh giác với những dịch vụ “đi tắt” trên. Bởi đó có thể là trò lừa đảo để ăn cắp thông tin thuê bao, chiếm dụng sim số đẹp. “Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện những trường hợp sai quy định về ưu đãi, thông tin…, hệ thống khóa lại, chờ xác minh. Khách hàng làm qua dịch vụ bên ngoài cũng rất khó để được bảo vệ quyền lợi”, ông nói.

Tương tự, nguồn tin từ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, việc một số cá nhân lợi dụng hệ thống của nhà mạng để kinh doanh dịch vụ là sai quy định, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp viễn thông và sự an toàn của các thuê bao. Theo đó, bắt đầu từ năm 2012, đơn vị này sẽ phối hợp với Học viện Bưu chính Viễn thông mở chuyên ngành đào tạo về an toàn thông tin mạng, nhằm bảo mật tốt hơn về dữ liệu mạng Internet và mạng viễn thông.

Chủ nhân của sim di động 0988888888

Xuân Ngọc

Theo vnexpress.net

Sim ‘rác’ tăng giá

Một chiếc sim Beeline giá niêm yết chỉ 20.000 đồng thế nhưng khi đến tay người dùng giá bị đẩy lên gấp 3, thậm chí 4 lần. Giá sim của một số hãng viễn thông khác cũng đột ngột bị tăng thêm 5.000-7.000 đồng mỗi chiếc.

>Sim di động cổ đắt hàng

Trước đây, một chiếc sim 'rác' Viettel chỉ có giá 45.000 đồng và sim Beeline cũng chỉ có giá 20.000-25.000 đồng, nhưng nay các loại sim nay đều bất ngờ bị đại lý đẩy giá. Ảnh: Xuân Ngọc
Trước đây, một chiếc sim Viettel trên thị trường chỉ có giá 45.000 đồng và sim Beeline cũng chỉ có giá 20.000-25.000 đồng, nhưng nay các loại sim nay đều bất ngờ bị đại lý đẩy giá lên cao. Ảnh: Xuân Ngọc

Giữ thói quen sử dụng sim rác để tiết kiệm chi tiêu song ngày hôm qua đi mua, chị Vân Anh, ở Khương Trung, Hà Nội thấy giá đã tăng lên 5.000 đồng mỗi chiếc.

Chị kể, bình thường chị mua sim Viettel, loại 45.000 đồng, tài khoản 115.000 đồng. Nhưng hôm qua, chị phải trả với giá 50.000 đồng. “Lúc đầu tưởng nghe nhầm nên tôi hỏi lại và nói rõ là chỉ cần loại tài khoản 115.000 đồng, loại 11 số, không cần sim đẹp nhưng chủ cửa hàng bảo mới tăng giá, rẻ nhất là 50.000 đồng”, chị Vân Anh nói.

Không chỉ với sim Viettel, loại sim 3G của VinaPhone, giá tháng trước là 65.000 đồng có 260.000 đồng trong tài khoản, nay tại một số đại lý, giá cũng lên đến 72.000 đồng một chiếc.

Bị đẩy giá mạnh nhất là sim của nhà mạng Beeline. Sim phát hành với giá 20.000 đồng, nhưng khi bán trên thị trường, giá lên 30.000-40.000 đồng, thậm chí có nơi còn bán đến 60.000 đồng mỗi chiếc. Tìm mua một chiếc sim tỷ phú của nhà mạng này, anh Toàn, một nhân viên IT hỏi đến 3 đại lý đều nhận được giá từ 45.000 đồng trở lên.

“Mình thấy các chị ở cơ quan mua mỗi chiếc sim Beeline có 20.000 đồng nhưng không thể tìm được giá đó ở cửa hàng bên ngoài. Cứ nghĩ sim của Beeline thì rẻ, ai ngờ còn đắt hơn cả Viettel, MobiFone…”, anh Toàn chia sẻ.

Chiều 23/10, chị Quỳnh Chi ở Đống Đa, Hà Nội cũng rất bất ngờ khi đại lý trên đường Tây Sơn thông báo giá sim Beeline là 75.000 đồng. Khi chị thắc mắc chuyện 2 ngày trước cũng tại điểm bán này chị mua 2 sim với giá chỉ 25.000 đồng thì được chủ cửa hàng giải thích: Khan hàng nên giá tăng.

Tại điểm bán này, ngoài Beeline, sim di động của một số hãng khác như VinaPhone, MobiFone và Viettel loại 11 số cũng tăng khoảng 6.000 đồng so với trước đó. Cửa hàng này đưa ra một loạt lý do giải thích cho chuyện tăng giá, gồm: Nhà mạng đang siết chặt khuyến mãi, thời hạn lưu giữ sim ít hơn, buôn bán, sim khan hiếm.

Trao đổi với VnExpress.net một số chủ cửa hàng, đại lý ở Hà Nội cũng giải thích lý do giá sim tăng là vì thị trường đang khan hàng.

Lãnh đạo các hãng viễn thông đều khẳng định họ không có chính sách tăng giá đối với thẻ sim. “Giá này chúng tôi đã niêm yết trên website của hãng. Người tiêu dùng có thể truy cập vào đây để biết thông tin”, một lãnh đạo Viettel nói.

Theo ông, giá cả lâu nay đúng là bị tác động nhiều bởi yếu tố tâm lý. Nghĩa là mặt hàng nào được đông người tiêu dùng quan tâm và có thông tin khan hàng là y như rằng giá bị đội lên. “Các trường hợp tăng giá có thể xuất phát từ các cửa hàng nhỏ lẻ. Còn những đại lý lớn nằm trong hệ thống của chúng tôi, giá sim không thay đổi”, ông này nói thêm.

Lãnh đạo các hãng viễn thông khác cũng khẳng định không có chính sách điều chỉnh giá thẻ sim bán ra thị trường. Tuy nhiên, nhà mạng sẽ kiểm tra vấn đề mà người tiêu dùng phản ánh liên quan đến việc đại lý cửa hàng tự ý tăng giá.

Hồng Anh – Xuân Ngọc

SIM không cần đăng ký vẫn bán tràn lan

CTnews – Sau khi quy định “trảm” SIM không đăng ký có hiệu lực sau ngày 31/1/2010, nhưng tại Hà Nội và TP HCM, việc mua SIM không cần phải đăng ký vẫn dễ như mua rau.

Trong vai khách hàng đi mua SIM khuyến mãi (sim rác) thay thẻ, phóng viên Báo BĐVN tìm đến đại lý Tiến Đạt ở địa chỉ 202 Kim Mã (Hà Nội) để mua một SIM khuyến mãi loại 11 số của Vinaphone với giá 125.000 đồng (được tặng vào tài khoản 440.000 đồng). Khi hỏi về chuyện hướng dẫn đăng ký thông tin cá nhân để sử dụng, chủ đại lý khẳng định chắc nịch: “Bọn anh đăng ký từ trước rồi, cắt làm sao được! Cứ lắp vào điện thoại mà sử dụng thôi!”

Qua tìm hiểu tại một số cửa hàng khác như 71 Hàng Trống, 94 Bà Triệu, dãy cửa hàng bán sim tại phố Phương Mai (Hà Nội), đường Nguyễn Thị Minh Khai, Huỳnh Tịnh Của, Điện Biên Phủ (TP.HCM)…, đến đâu phóng viên Báo BĐVN cũng dễ dàng hỏi mua được những chiếc SIM tương tự như ở 202 Kim Mã.

Chủ cửa hàng Cẩm Tú trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Tp.HCM) cho biết: “SIM rác chỗ tôi đều được đăng ký từ cách đây… vài tháng, khỏi cần đăng ký”. Tương tự, chủ đại lý bưu điện tại đường Huỳnh Tịnh Của (Quận 3) thì… vô tư cho biết đại lý này (cũng như nhiều đại lý khác) vẫn giữ nguyên “truyền thống” kinh doanh hai loại sim là đã và chưa đăng ký… bình thường như từ khi Bộ TT&TT, các nhà mạng chưa tuyên bố sẽ mạnh tay “trảm”, cắt liên lạc. “Nếu bị cắt, anh cứ mang ra đây em đổi cho” – Chủ đại lý bưu điện tại địa chỉ 152/72S Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) “gia cố” thêm lòng tin cho khách hàng.

Như vậy, đến ngày 2/2/2010 – tức là 2 ngày sau khi các nhà mạng tuyên bố khoá các thuê bao đăng ký quá 3 SIM ở mỗi mạng, thì trên thị trường vẫn tồn tại rất nhiều SIM đã được kích hoạt sẵn bởi các đại lý. Tìm hiểu của phóng viên BĐVN cũng cho thấy, hầu hết các chủ đại lý đều khẳng định thêm là hai ngày nay chưa thấy khách hàng nào tìm đến phàn nàn vì chuyện đang dùng bị cắt liên lạc. Cũng đáng nói thêm, trừ các điểm bưu điện và đại lý chính thức của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông… có nhân viên hướng dẫn khách hàng đăng ký thông tin sau khi mua SIM, thì còn lại phần lớn người bán hàng tại đại lý bán lẻ SIM điện thoại di động vẫn không có ý thức tuyên truyền cho người mua về vấn đề này, không có đại lý nào yêu cầu khách xuất trình chứng minh thư hoặc giấy tờ liên quan khi mua SIM mới.

Như vậy, câu hỏi được đặt ra là: Có hay không câu chuyện hàng trăm chiếc SIM rác đã được đăng ký từ lâu vẫn “nhởn nhơ” tồn tại cho dù các nhà mạng đẩy mạnh xử lý?

Nhóm phóng viên ICT

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 15 ra ngày 3/2/2010

Nguồn: http://www.ictnews.vn/Home/Vien-thong/SIM-khong-can-dang-ky-van-ban-tran-lan/2010/02/1MSVC524631/View.htm