Lưu trữ

Posts Tagged ‘3G’

Đông Dương Telecom vẫn theo đuổi thị trường viễn thông di động

“Đông Dương Telecom đang triển khai và vẫn theo đuổi tham gia vào thị trường viễn thông di động”.

Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom (Indochina Telecom) đã khẳng định với VnEconomy như vậy, bên lề hội nghị giao ban quản lý nhà nước lần 2 với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng, tại Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), sáng 9/10.

Trước đây ít hôm, thông tin về khả năng tham gia thị trường viễn thông di động của mạng ảo (doanh nghiệp không có hạ tầng mạng) Đông Dương Telecom lại được nhắc đến, khi ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ đã gửi “tối hậu thư” cho Đông Dương Telecom yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình triển khai thực tế.

Vì thế, nhiều phân tích, nhìn nhận được đưa ra về khả năng tham gia thị trường của mạng di động ảo Đông Dương Telecom, dường như chỉ còn là trong… giấc mơ và “cánh cửa” gia nhập thị trường viễn thông của các mạng di động ảo gần như đã khép lại. Các doanh nghiệp được cấp phép mạng di động ảo gồm Đông Dương Telecom và Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép.

Ông Phạm Hồng Hải cho biết, đúng ra từ cuối năm ngoái, cơ quan quản lý nhà nước đã phải thu hồi giấy phép của Đông Dương Telecom, nhưng khi đó, doanh nghiệp đã đưa ra những giải trình hợp hợp lý và khẳng định, cam kết sẽ triển khai cung cấp dịch vụ ra thị trường nên Bộ chưa thu hồi giấy phép.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa có động thái gì cho thấy sẽ triển khai nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra “tối hậu thư” và nếu doanh nghiệp không làm gì thì sẽ buộc phải thu hồi giấy phép.

Trước câu hỏi, liệu sắp tới Đông Dương Telecom có bị thu giấy phép và chấp nhận rời bỏ thị trường, Phó tổng giám đốc Đông Dương Telecom Nguyễn Minh Khánh lý giải, trong trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép nhưng không triển khai thì cơ quan quản lý mới tính đến xem xét thu hồi nhưng hiện chúng tôi vẫn đang triển khai, chỉ vướng mỗi đàm phán thôi.

“Về mặt chủ trương thì tất cả đồng ý rồi (cụ thể Đông Dương Telecom đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về dùng chung hạ tầng mạng 3G với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) – PV) nhưng về quan điểm, thỏa thuận chi tiết thì các bên vẫn chưa thống nhất, vì thế vướng mắc lúc này của Đông Dương Telecom là ở khâu đàm phán với Viettel”, ông Khánh cho biết.

Theo ông Khánh, doanh nghiệp này vẫn đang đàm phán và nỗ lực, quyết tâm theo đuổi tham gia thị trường viễn thông di động và phía Cục Viễn thông cũng đang tạo điện kiện hỗ trợ cho Đông Dương đàm phán chứ chưa có chuyện thu hồi gì. Theo nhìn nhận của vị này thì triển vọng tham gia thị trường viễn thông của Đông Dương vẫn tốt và nhiều khả thi.

Trước đây, vào thời điểm giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động (tháng 8/2009), lãnh đạo Indochina Telecom dự định đến hết năm 2009, mạng di động này sẽ đi vào triển khai và sau đó đơn vị sẽ cung cấp dịch vụ ra thị trường. Doanh nghiệp này sẽ sử dụng đầu số 099 (với hai dải số là 0998 và 0999) và chia sẻ sử dụng chung mạng vô tuyến 3G với Viettel.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn và thị trường đang cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay, cùng với đó là việc một số doanh nghiệp, đối tác viễn thông gặp thất bại và rời bỏ thị trường, cơ hội tham gia thị trường của những mạng nhỏ như Đông Dương Telecom được nhìn nhận là vô cùng mờ nhạt.

 

Theo vneconomy.vn

Tốn bạc triệu cước GPRS vì bất cẩn với di động xịn

Cước GPRS tăng đột biến hàng triệu đồng dù người dùng “không sử dụng” dịch vụ này. Khi điều tra, nhà mạng giải thích: Máy điện thoại di động “đời cao” đã tự động cập nhật dữ liệu.

Theo đơn khiếu nại của ông N.T.T (ngụ phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều; chủ thuê bao ĐTDĐ số 0902757…), trong tháng 7 – 8 vừa qua, tiền cước điện thoại của ông đột ngột tăng lên hơn 300.000 đồng/tháng.

Ông được chi nhánh MobiFone tại Cần Thơ cho biết đó là tiền cước sử dụng dịch vụ truy cập GPRS. Sau đó, chi nhánh MobiFone đã in chi tiết cước GPRS của ông sử dụng mỗi tháng, lên đến 32 trang giấy khổ A4, với 2.552 lần truy cập.

Trong đó thể hiện hằng ngày, ông T. truy cập ít nhất 100 lần, có ngày 127 lần, có khi truy cập từ 12 giờ khuya trở đi.

Còn anh Đ.V.V (chủ nhân số 0903327…, là phóng viên báo thuộc ngành công an) cho biết sau khi mua chiếc ĐTDĐ Nokia Lumia 800 phục vụ công việc, đến cuối tháng anh mới “tá hỏa” khi tiền cước được báo lên gần 1 triệu đồng; trong đó riêng cước GPRS chỉ trong 15 ngày đã hơn 500.000 đồng.

Để quản lý giờ giấc, đưa đón con trai đang học lớp 12, bà H.T.T.C (ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều) mua cho con chiếc ĐTDĐ Nokia trên 2 triệu đồng và đăng ký mạng MobiFone để sử dụng.

Tuy nhiên, khi thanh toán tháng đầu tiên, tiền cước đã hơn 700.000 đồng; tháng thứ 2 lên gần 800.000 đồng, trong đó, tiền truy cập GPRS gần 500.000 đồng.

Bị la rầy, con bà khăng khăng cho là chỉ sử dụng điện thoại để liên lạc với gia đình, bạn bè, không hề truy cập mạng. Sự việc chỉ được làm sáng tỏ khi bà C. đến nơi đóng cước của MobiFone, yêu cầu cung cấp chi tiết truy cập GPRS; bà mới vỡ ra, lời cam kết của con mình là đúng sự thật.

Chi tiết cước truy cập dài 32 trang của ông T. được nhà mạng cung cấp

Máy thông minh tự động cập nhật?

Sáng 27/9, trao đổi với phóng viên, bà Huỳnh Châu Ngọc Thúy, Phó giám đốc chi nhánh MobiFone tại Cần Thơ, giải thích: Mobile Internet là dịch vụ truy cập internet trực tiếp từ máy di động, thông qua các công nghệ truyền dữ liệu GPRS/EDGE/3Gcủa mạng MobiFone. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng điện thoại thông minh như: iPhone, HTC, Samsung Galaxy…

Khi khách hàng mua đã được cài đặt mặc định chế độ mở truy cập dữ liệu (data), nên đã phát sinh cước GPRS/3Gngoài ý muốn do máy điện thoại thường xuyên tự truy cập và cập nhật các dữ liệu, phần mềm, thông tin… qua đường truyền GPRS.

Do vậy, khách hàng cần lưu ý, khi sử dụng các dòng điện thoại thông minh có nhiều chức năng truy cập, nên xem kỹ cách hướng dẫn sử dụng của sản phẩm và của nhà cung cấp dịch vụ mạng để tránh phát sinh cước ngoài ý muốn.

Trong đó, việc đơn giản nhất là nếu không có nhu cầu truy cập mạng thì nên tắt truy cập dữ liệu (data) hoàn toàn và tắt tính năng thông báo cập nhật phần mềm mới, để máy không thể tự truy cập vào mạng phát sinh cước ngoài ý muốn như các trường hợp trên.

Ngoài ra, nếu khách hàng có nhu cầu truy cập mạng thường xuyên thì nên đến các điểm giao dịch của các mạng di động để đăng ký các gói cước sử dụng trong nước dành cho mạng di động. Hiện có rất nhiều gói cước để khách hàng chọn lựa đăng ký sử dụng, tùy theo nhu cầu của mình.

 

Cách hủy dịch vụ GPRS

MobiFone: Soạn tin “HUY GPRS” gửi đến 994.
– Viettel: Soạn tin “OFF” gửi đến191.
– Vinaphone: Soạn tin “GPRS OFF” gửi 333.

Theo Thanh Niên

Chuyên mục:Dịch vụ GTGT Thẻ:, ,

Mỗi thuê bao di động Viettel sử dụng 3G khoảng 200 Mb/tháng

ICTnews – Ngày 26/9, tại Hội thảo “Thách thức và triển vọng phát triển băng rộng ở Việt Nam”, Viettel Telecom cho biết, trung bình mỗi tháng người dùng mạng 3G của Viettel qua điện thoại di động sử dụng khoảng 200 Mb và qua máy tính ở mức 2 Gb.

>>MobiFone, Viettel: “So găng” gói cước 3G siêu rẻ

>>Thiết bị di động 3G do Viettel sản xuất sẽ dùng chip Qualcomm

>>New Zealand thèm muốn được dùng 3G rẻ như Việt Nam

Đại diện Viettel Telecom cho rằng, sở dĩ dung lượng trên mạng 3G chưa thực sự cao là do số lượng dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nội dung nên trền data còn nghèo nàn, chưa gắn liền với đời sống của người dân nên hoạt động phổ biến nhất của người dùng mới dừng ở việc đọc tin tức, nghe nhạc, chat. Các dịch vụ phổ biến tại Việt Nam mà nhà mạng cung cấp cho khách hàng gồm MobiTV, nghe nhạc online, mail, game… “Tuy nhiên, dịch vụ đặc thù của mạng 3G là Video call lại không thành công tại Việt Nam do tỷ lệ người sử dụng ít và bản thân các nhà mạng không chú trọng kinh doanh dịch vụ này”, đại diện Viettel Telecom cho biết thêm.

So với số lượng người dùng Internet 3G trên di động, số lượng người dùng dịch vụ 3G trên máy tính qua USB 3G có tốc độ tăng trưởng kém hơn vì gặp những rào cản về chi phí đầu vào và không cam kết về tốc độ như mạng ADSL.

Dự kiến, Viettel sẽ tiến hành phân lớp khách hàng thành những nhóm riêng biệt theo hành vi sử dụng, vị trí người dùng… để từ đó xây dựng những dịch vụ, sản phẩm riêng cho mỗi nhóm khách hàng.

Tính đến hiện nay, Viettel đã lắp đặt và phát sóng gần 23.000 trạm 3G (sẽ nâng lên 30.000 trạm vào cuối năm 2013 và phủ 90% dân số), tỷ lệ trạm 3G/2G ở mức khoảng 65% (tại thành thị, khu vực đông dân thì con số này đạt 80%). Hiệu suất sử dụng mạng lưới 3G đạt mức 21%. Sau 3 năm triển khai, Viettel đã phát triển được gần 3,8 triệu thuê bao 3G, với tốc độ tăng trưởng thuê bao 3G đạt 170% trong năm 2011 và ước đạt 37% trong năm 2012.

TP

Chuyên mục:Vietteltelecom Thẻ:, ,

New Zealand thèm muốn được dùng 3G rẻ như Việt Nam

3g.jpg
Dịch vụ 3G ở Việt Nam được phóng viên PC World đánh giá là rẻ và nhanh. Ảnh: Internet

 

ICTnews – Được trải nghiệm các dịch vụ Wi-Fi miễn phí, 3G tốc độ cao nhưng giá cước thấp tại Việt Nam, phóng viên Juha Saarinen của PC World thường trú tại New Zealand đã phải mong ước “giá có một hãng viễn thông Việt Nam đến New Zealand cung cấp dịch vụ”.

Trang web PC World New Zealand (pcworld.co.zn) hôm nay vừa đăng tải blog của phóng viên Juha Saarinen viết về sự thuận tiện và giá rẻ khi du khách nước ngoài đến Việt Nam và sử dụng các dịch vụ Wi-Fi, 3G.

Theo Juha Saarinen, Việt Nam là một nơi tuyệt vời, khí hậu nhiệt đới, các tỉnh miền Bắc khá mát mẻ. Việt Nam cũng được nhiều người yêu thích bởi có nhiều loại thực phẩm đặc sắc. Điều đáng nói nhất trong bài viết là Juha Saarinen rất thán phục con đường phát triển, đi lên phía trước thông qua công nghệ của Việt Nam.

“Tại Việt Nam, tôi có thể tìm thấy Wi-Fi ở khắp mọi nơi – và thường là được dùng miễn phí”, Juha Saarinen viết. “Các quán cà phê, khách sạn vẫn thường dùng Wi-Fi miễn phí để thu hút khách hàng. Ngoài ra, 3G ở đây cũng rất rẻ và chạy rất tốt”. Anh kể rằng du khách nước ngoài có thể dễ dàng sử dụng 3G bằng cách mua một thẻ SIM trả trước của Viettel với giá 65.000 đồng, tương đương 4 đô la New Zealand.

Giá cước các cuộc gọi di động cũng rất rẻ, kể cả cuộc gọi trong nước và cuộc gọi quốc tế. Người dùng cũng dễ dàng mua các loại thẻ cào với nhiều mệnh giá khác nhau từ 25.000 đồng, 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Trong 2 tuần, Juha Saarinen đã dùng hết 3 loại thẻ cào trên, sử dụng smartphone 3G làm “điểm nóng Wi-Fi” cho laptop và tablet.

Khi đến Việt Nam, Juha Saarinen đã dùng dịch vụ của Vietel, anh cũng nói rằng Viettel không phải là nhà cung cấp dịch vụ 3G duy nhất ở Việt Nam, du khách có thể thường xuyên được hưởng các cuộc khuyến mãi của các nhà mạng khác ở Việt Nam như MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile. Nhờ đó, khách hàng cũng được dùng gói cước dữ liệu 3G với mức giá rẻ, từ 1,5 đến 5GB dữ liệu với 120.000 đồng đến 150.000 đồng. “Nếu cẩn trọng với việc dùng dữ liệu của mình, bạn có thể bỏ ra 10 đô la New Zealand (168.000 đồng) và dùng 3G tốc độ cao”.

Phóng viên công nghệ của PC World đã ước “giá có một hãng viễn thông nào đó của Việt Nam đến New Zealand để kinh doanh, thay đổi các dịch vụ và giá cước tại thị trường New Zealand”.

Cho đến nay, New Zealand vẫn được xếp vào hàng những nước có giá cước dịch vụ di động cao nhất thế giới. Trung bình người dân New Zealand phải trả cao hơn khoảng từ 23% đến 46% giá trung bình của một gói cước di động của các nước thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nguyên nhân là do hệ thống mạng di động tại New Zealand bị chi phối bởi hai hãng cung cấp dịch vụ Vodafone và Telecom, một cơ cấu thị trường được ví là lưỡng độc quyền. Hiện nay, giá cước dịch vụ di động ở New Zealand đã giảm so với trước, nhưng nhiều người vẫn cho rằng mức giá này “quá cao”.

Các cuộc điện thoại cố định ở nội hạt các thành phố của New Zealand đều được miễn phí. Tuy nhiên, giá cước gọi di động trong nước tại New Zealand là từ 0.24 đôla New Zealand (hơn 4.000 đồng) đến 1,39 đôla New Zealand (hơn 23.000 đồng) mỗi phút. Còn gọi quốc tế có giá từ 0,44 đôla New Zealand (gần 7.500 đồng) mỗi phút.

Bảo Bình

Theo PCW, NBR

85% dân số thế giới sẽ được trải nghiệm 3G vào năm 2017

Mobi1.jpg
Việt Nam thuộc Châu Á – Thái Bình Dương (không tính Ấn Độ và Trung Quốc) là nhóm quốc gia có mức tăng trưởng thuê bao tính tới quý 1/2012 là 82%.

 

ICTnews – Báo cáo về Lưu lượng và Thị trường của Ericsson công bố vào tháng 6/2012 cho biết 85% dân số thế giới sẽ được phủ sóng 3G và 50% dân số thế giới sẽ được phủ sóng 4G vào năm 2017.

Xu hướng 3G/4G tăng trưởng mạnh

Theo Báo cáo về Lưu lượng và Thị trường của Ericsson, 85% dân số thế giới sẽ truy cập Internet qua 3G vào năm 2017 và khi đó sẽ có khoảng 9 tỉ thuê bao di động, so với số lượng 6 tỉ vào năm 2011.

Ông Douglas Gilstrap, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chiến lược của Ericsson cho rằng: “Ngày nay, truy cập Internet được coi là tính năng cơ bản của bất kỳ loại thiết bị nào. Quan niệm này tạo ra nhu cầu ngày càng lớn đối với băng rộng di dộng và sự tăng trưởng của lưu lượng về dữ liệu. Các nhà mạng nhận thấy cơ hội này và nỗ lực cung cấp các trải nghiệm chất lượng cho người dùng thông qua các mạng tốc độ cao. Hiện nay, khoảng 75% mạng HSPA trên toàn cầu đã được nâng cấp lên tốc độ 7,2 Mbps và khoảng 40% đã nâng cấp lên tốc độ 21 Mbps.”

Báo cáo về Lưu lượng và Thị trường của Ericsson đưa ra dự báo, tới năm 2017, 85% dân số sẽ phủ sóng WCDMA/HSPA. Hiện tại, công nghệ GSM/EDGE đã phủ hơn 85% dân số thế giới và WCDMA/HSPA phủ sóng 45% dân số. Sự phổ biến WCDMA/HSPA sẽ tăng nhanh hơn khi xuất hiện nhiều điện thoại smartphone giá rẻ và sự tăng trưởng của băng rộng di động tốc độ cao kèm theo chính sách điều hành viễn thông của từng khu vực. Tới tháng 2/2012, LTE phủ sóng khoảng 315 triệu người trên toàn cầu. Trong 5 năm tới, dự kiến sẽ phủ sóng cho 50% dân số.

 

Bên cạnh đó, tổng lưu lượng dữ liệu di động cũng sẽ tiếp tục tăng (từ quý 1/2011 tới quý 1/2012, mức độ tăng gấp hai lần và chủ yếu là do việc sử dụng video của người dùng). Smartphone tiếp tục là yếu tố chính tạo nên sự gia tăng lưu lượng dữ liệu. Trong khoảng thời gian 2011 tới 2017, lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng gấp 15 lần.

Báo cáo về Lưu lượng và Thị trường của Ericsson cũng đưa ra nhận định là Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, và nhóm quốc gia này đã góp phần tạo nên 93 triệu thuê bao mới trong quý 1/2012.

Bieu do 1.jpg
Số lượng thuê bao theo khu vực, tính tới quý 1/2012 (APAC viết tắt cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương).

 

Bieu do 2.jpg
Tăng trưởng về thuê bao di động băng rộng từ năm 2008 tới năm 2017.

Tính tới quý 1/2012, tổng số thuê bao di động trên toàn cầu là 6,2 tỉ thuê bao, chiếm 87% dân số thế giới. Tuy nhiên số lượng thuê bao thực tế khoảng 4,2 tỉ bởi có người dùng tới vài thuê bao một lúc. Tính riêng trong quý 1/2012, số lượng thuê bao mới tăng thêm là 170 triệu. Mức độ tăng trưởng về số lượng thuê bao trung bình tính theo năm là 12% và theo quý là 35%. Số lượng thuê bao băng rộng di động tăng trưởng trung bình 60%/năm và đã đạt tới 1,1 tỉ thuê bao. Trong đó, Việt Nam thuộc Châu Á – Thái Bình Dương (không tính Ấn Độ và Trung Quốc) là nhóm quốc gia có mức tăng trưởng thuê bao tính tới quý 1/2012 là 82%.

Hiện nay, khoảng 75% mạng HSPA trên toàn cầu đã được nâng cấp lên tốc độ 7,2 Mbps và khoảng 40% đã nâng cấp lên tốc độ 21 Mbps. Khoảng 15% mạng HSPA đã nâng tốc độ lên.

GSM/EDGE sẽ tiếp tục đi đầu về mức tăng trưởng trong những năm tới cho dù công nghệ HSPA cũng đang có mức tăng trưởng nhanh chóng. Lý do cho xu hướng này là vì người sử dụng ở nhóm thu nhập thấp tại các quốc gia đang phát triển có xu hướng sử dụng các loại điện thoại giá rẻ đồng thời cần thời gian để nâng cấp hệ thống nền tảng điện thoại. Tuy nhiên, sau năm 2012, xu thế thuê bao GSM/EDGE sẽ giảm.

Báo cáo về Lưu lượng và Thị trường của Ericsson cho biết, LTE đang được triển khai ở một số vùng trên thế giới và sẽ có khoảng 1 tỉ thuê bao vào năm 2017. Tính tới năm 2017, sẽ có khoảng 9 tỉ thuê bao di động.

Thuê bao Smartphone cũng tăng nhanh

Số lượng thuê bao smartphone năm 2011 là 700 triệu và dự kiến sẽ là 3 tỉ vào năm 2017. Các dòng điện thoại smartphone lưu lượng cao High Trafic Smartphones (gọi tắt là HT Smartphone) như iPhone, Android và Windows thường tạo ra lưu lượng gấp 5-10 lần so với loại thiết bị lưu lượng thấp.

Các yếu tố khác như kích thước màn hình, năm ra đời của thiết bị và sự phổ biến của từng dòng sản phẩm có liên hệ chặt chẽ đối với những người sử dụng tích cực, tạo ra lưu lượng trung bình khoảng 1MB một ngày. Ericsson dự đoán tổng số thuê bao sử dụng các thiết bị lưu lượng lớn sẽ tăng từ 850 triệu năm 2011 lên tới 3,8 tỉ năm 2017, bao gồm smartphone, mobile PCs và máy tính bảng kết nối mạng di động. Một số mobile PCs tuy có tính năng kết nối 3G/4G nhưng không có kích hoạt thuê bao di động.

Năm 2017, khoảng 1/3 số lượng mobile PCs sẽ có đăng ký thuê bao 3G/4G, số còn lại sẽ sử dụng Wi-Fi hoặc Ethernet. Đồng thời, khoảng 1/2 số lượng máy tính bảng sẽ cài đặt sẵn modem 3G/4G. Một số máy tính bảng tuy có tính năng kết nối 3G/4G nhưng không có kích hoạt thuê bao di động.

Xu hướng tương lai là sự tăng trưởng ổn định của lưu lượng dữ liệu cả trên phương diện số lượng thuê bao sử dụng dữ liệu di động và lưu lượng dữ liệu trung bình của mỗi thuê bao. Sự tăng trưởng này chủ yếu là do số lượng người dùng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi. Tuy nhiên mức độ lưu lượng có sự khác biệt lớn giữa các thị trường, khu vực và các nhà mạng.

Lưu lượng dữ liệu di động tăng gần gấp hai lần trong quãng thời gian từ quý 1/2011 tới quý 1/2012. Mức độ tăng trưởng trong một quý, trong khoảng thời gian từ quý 4/2011 tới quý 1/2012 là 19%.

Tới cuối năm 2017, lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng 15 lần. Hiện tại, mobile PCs chiếm tỉ lệ chính về việc tạo ra lưu lượng trong các mạng di động, tuy nhiên trong những năm tới, tỉ lệ này sẽ cân bằng hơn giữa mobile PCs, máy tính bảng và điện thoại di động.

Lưu lượng trên mỗi thuê bao liên quan tới kích thước màn hình thiết bị đầu cuối. Trung bình mobile PCs tạo ra lưu lượng gấp 4 lần so với Smartphone HT. Tới cuối năm 2011, lưu lượng dữ liệu trung bình theo tháng của mobile PCs là 2GB/tháng và của smartphone là 500MB. Tới cuối 2017, dự kiến một mobile PCs sẽ tạo ra 8GB/tháng và một smartphone sẽ tạo ra trên 1GB/tháng.

Sự tăng trưởng smartphones diễn ra nhanh chóng với tỉ lệ trung bình 40% người sử dụng truy cập Internet và các ứng dụng trước khi rời khỏi giường ngủ. 51% người sử dụng smartphone hài lòng với chất lượng mạng di động và chỉ có 3% là không hài lòng. 47% cho rằng tốc độ mạng chậm là nguyên nhân phổ biến nhất cho các vấn đề về truy cập Internet qua smartphone. Nghiên cứu này tiến hành ở Hà Lan và Phần Lan, được thực hiện trực tuyến với 1.000 người sử dụng smartphone 3G, tuổi đời từ 18 tới 69 với tần suất sử dụng là trên 1 lần/tuần. Nghiên cứu cho thấy một số nhân tố phổ biến dưới đây mang lại sự hài lòng đối với người sử dụng smartphone, đó là vùng phủ sóng mạng 3G, mạng 3G có tốc độ truy cập cao và mức chi phí.

Báo cáo về Lưu lượng và Thị trường của Ericsson cho rằng iPhone và Android tạo ra mức lưu lượng lớn nhất trong các thuê bao. Nguyên nhân chính về sự khác biệt giữa các hệ điều hành là gói giá cước do các nhà mạng quy định.

Lưu lượng trung bình mỗi thuê bao sử dụng phụ thuộc nhiều vào gói cước và dòng điện thoại mà họ sử dụng. Có một thực tế là người sử dụng nhiều có xu hướng chuyển sang model điện thoại mới hơn. Vì vậy sự gia tăng về mức độ sử dụng phụ thuộc vào cả hai yếu tố thiết bị mới và phân khúc khách hàng mà các hãng hướng tới. Lưu lượng do các điện thoại đang dùng sẽ cao hơn so với loại điện thoại mới ra đời bởi sự khác biệt về gói giá cước dịch vụ đi kèm.

Quế Lâm

Dấu ấn 3G MobiFone

Theo kết quả điều tra thị phần Internet di động tại Việt Nam của Tập đoàn Yahoo, MobiFone đứng số 1 với với tỷ lệ 60%. Kết quả này có được nhờ sự tiên phong trong việc thúc đẩy việc phát triển dịch vụ 3G tại Việt Nam.

3G giá rẻ – Cú huých mạnh cho thị trường

Đầu tháng 10/2011, MobiFone tung ra thị trường gói cước Mobile Internet giá rẻ, không giới hạn lưu lượng đầu tiên tại Việt Nam (MIU) với giá trọn gói 60.000 đồng. Với gói cước này, người dùng 3G trên di động không còn cước bị đội lên cao bởi đã có mức trần ở mức phí thấp.

Trước đó, dù rất yêu thích 3G với những tiện lợi của việc lướt web trên smartphone, nhiều khách hàng dùng di động vẫn ngần ngại khi sử dụng Mobile Internet mọi lúc, mọi nơi vì sợ cước phụ trội cao, không thể kiểm soát. Với gói MIU của MobiFone, thị trường 3G trên điện thoại di động có bước ngoặt mới.

Sau đó, các mạng di động lớn khác như VinaPhone, Viettel cũng lần lượt tung ra dịch vụ tương tự và giá thuê bao của gói Mobile Internet không giới hạn được giảm dần còn có 40.000 đồng/tháng. Trong số các mạng di động, MobiFone cũng là mạng có mức cước cạnh tranh nhất bởi khách hàng không phải trả cước thuê bao 3G hàng tháng là 10.000 đồng.

Bên cạnh việc giảm cước cho gói MIU, MobiFone còn tăng lưu lượng cho tất cả các gói Mobile Internet khác: gói M50 tăng từ 350 Mb lên 550 Mb, gói M70 tăng từ 600 Mb lên 800 Mb, gói M100 tăng từ 1Gb lên 1,2 Gb, gói D30 tăng từ 1,5 Gb lên 1,7 Gb.

Một lãnh đạo MobiFone cho biết: “Phần lớn người dùng Mobile Internet chỉ có nhu cầu dùng dưới 50.000 đồng một tháng với dịch vụ này. Vì thế, việc hạ cước trọn gói chỉ còn 40.000 đồng, chúng tôi mong muốn mọi khách hàng có thể yên tâm sử dụng dịch vụ thoải mái mà không còn lo lắng việc kiểm soát chi phí”.

Theo nhận định của các chuyên gia về viễn thông, việc tung ra gói cước Mobile Internet không giới hạn giá rẻ đầu tiên, đồng thời đưa mức thuê bao trọn gói về dưới 50.000 đồng là một cú huých mạnh cho thị trường 3G. Và nhà mạng đi tiên phong trong việc kích cầu thị trường cũng sẽ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía người dùng.

Những chính sách ưu tiên nhất quán

Vào cuối năm 2011, một điều tra độc lập đầu tiên của Tập đoàn Yahoo – người khổng lồ về các dịch vụ gia tăng trên Internet, cho thấy MobiFone – mạng di động đầu tiên tung gói cước Mobile Internet giá rẻ, cũng đồng thời là hãng chiếm thị phần số 1 về Internet di động tại Việt Nam, với tỷ lệ 60%. Đứng kế tiếp là Viettel với 26% và VinaPhone là 11%.

Trên thực tế, ngay từ khi mới cung cấp 3G, MobiFone cũng là mạng luôn dẫn đầu trong việc kích cầu dịch vụ này. Việc mở hàng loạt các chương trình khuyến mại lớn, kèm những chiến dịch quảng bá cho dịch vụ 3G nói chung, trợ giá cho thiết bị đầu cuối… đã giúp nhà mạng này chiếm được cảm tình của người sử dụng. Đi kèm với đó, chất lượng 3G luôn ổn định, tốc độ truy cập cao là nhân tố giúp MobiFone giành được sự ưa chuộng của người dùng.

Ngày 12/4 vừa qua, nhà mạng này công bố hoàn thành việc lắp đặt thêm 3.500 trạm phát sóng 3G, ứng dụng công nghệ HSPA+. Công nghệ mới giúp nâng tốc độ downlink tối đa lên đến 21Mbps và tốc độ uplink tối đa là 5,76 Mbps trên toàn mạng. MobiFone cũng trở thành mạng đầu tiên ứng dụng công nghệ mới cho 3G bởi HSPA+ tương đương với 3,5G.

Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc MobiFone chia sẻ: sau khi tăng mạnh dung lượng 3G phục vụ khách hàng, chúng tôi sẽ nâng cấp các phiên bản dịch vụ giá trị gia tăng, cho ra đời nhiều gói cước mới với Blackberry, FastConnect và tìm kiếm thêm các đối tác quốc tế để phát triển các dịch vụ mới, lạ, chất lượng cao phục vụ khách hàng.

Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông nhận xét: “MobiFone được ưa chuộng về 3G không được xây dựng chỉ bằng một vài chương trình kích cầu dịch vụ. Điều này có được nhờ một hệ thống những chính sách tiên phong, nhất quán trong việc đưa dịch vụ tốt nhất với giá rẻ nhất đến người tiêu dùng. Số liệu mà Tập đoàn Yahoo công bố, cũng như sự tiên phong về ứng dụng công nghệ mới cho 3G là những minh chứng của những kết quả đó”.

Yêu cầu Cú pháp nhắn tin Số tắt để nhận yêu cầu
Đăng kí gói cước DK_MIU 9

Trần Long

Chuyên mục:Mobifone 3G Thẻ:,